Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ & TRUYỀN THỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ & TRUYỀN THỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Sự kiện hào hùng của Ngày Nam bộ kháng chiến

 

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 - 23/9/2021)

Sự kiện hào hùng của Ngày Nam bộ kháng chiến

·        VĂN CHÍNH

              Sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhưng bọn đế quốc và phản động quốc tế điên cuồng chống phá cách mạng nước ta.

          Với bản chất ngoan cố, các thế lực đế quốc núp sau lá cờ Đồng Minh, vội vã đưa quân vào nước ta cùng số tù binh Pháp bị Nhật giam tại Sài Gòn từ ngày 09/3/1945 được quân đội Anh ngay sau khi đặt chân lên Sài Gòn, giải thoát tạo thành lực lượng với âm mưu tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam.

          Ngày 22 và 23/9/1945, bọn chúng đòi tước vũ khí lực lượng vũ trang cách mạng, cấm báo chí xuất bản, ra lệnh giới nghiêm ban đêm, nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 23/9/1945, một cuộc hội nghị lịch sử được triệu tập và quyết định gửi điện gấp xin chỉ thị của Trung ương và Hồ Chủ tịch, đồng thời phát động Nhân dân kháng chiến. Và trên thực tế, Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng lên chống quân xâm lược. Hội nghị cấp tốc thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã ra Lời kêu gọi:

“Đồng bào Nam Bộ!

Nhân dân thành phố Sài Gòn!

Anh em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 02 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

“Độc lập hay là chết!”

Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược!

Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức rời khỏi thành phố!

Những người còn lại thì: 

- Không làm việc, không đi lính cho Pháp;

- Không đưa đường, không báo tin cho Pháp;

- Không bán lương thực cho Pháp;

- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt;

- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp;

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ!

Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước!

Cuộc kháng chiến bắt đầu!”


Dân quân Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến năm 1945.

(Ảnh: Tư liệu)

            Lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến chống Pháp được thảo xong thông qua cho in ngay, và khoảng 8, 9 giờ sáng ngày 23/9/1945 được dán khắp nơi trong thành phố Sài Gòn và  theo các chuyến xe đò đưa về các tỉnh.

            Ngày 23/9/1945 là một trang sử vẻ vang của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngay trong những ngày đầu, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Một loạt nhà máy, kho tàng, công sở của địch bị phá hủy. Và chỉ trong vòng 4 ngày sau (26/9/1945), qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Lời kêu gọi của Người như một làn sinh khí làm tăng thêm phần sinh lực cho quân và dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai. Góp sức với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các tỉnh còn lại của Nam Bộ và cả nước đều tập trung chi viện sức người, sức của cho các chiến tuyến bao quanh thành phố. Những đoàn quân Nam tiến, những phong trào “Tuần lễ ủng hộ Nam Bộ kháng chiến…” góp phần làm cho cuộc kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mang tầm vóc cả nước. Cuộc chiến đấu bao vây quân địch diễn ra tròn một tháng từ 23/9 đến 23/10/1945 đã làm thất bại bước đầu âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng, đồng thời chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

                Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, quân và dân miền Nam đã làm tròn sứ mệnh “đi trước về sau”, xứng đáng với 4 chữ vàng “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ban tặng vào tháng 02/1946.

Tư tưởng nhân văn trong Tuyên ngôn độc lập 02/9

 

KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8) VÀ QUỐC KHÁNH (02/9)

Tư tưởng nhân văn trong Tuyên ngôn độc lập 02/9

·        NGUYỄN XUYẾN

          Tại quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

        Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là lời tuyên cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu thời đại thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

           Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những chân lý về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Những quyền ấy đã được Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp xác nhận. Đồng thời, mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng, của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người, quyền độc lập của dân tộc.

           Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

           Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách khoa học cuộc cách mạng dân tộc của mình. Người đã nhận rõ phạm trù cuộc cách mạng dân tộc tháng 8 năm 1945. Người đánh giá cao cuộc cách mạng tư sản Mỹ. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 mở ra một thời đại mới của lịch sử Việt Nam thừa nhận nguyên lý nhân văn của cuộc cách mạng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Sự gặp gỡ của cuộc cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII và cuộc cách mạng Việt Nam giữa thế kỷ XX là sự gặp gỡ từ bản chất nhiệm vụ hai cuộc cách mạng có tính chất tương đồng. Ngọn đuốc độc lập, tự do của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Mỹ đã hấp dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân Mỹ hơn một thế kỷ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa ra triết lý nhân văn của mình. Phải chăng điều này giúp chúng ta có thể hiểu thêm vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lựa chọn những dòng ngời đuốc trí tuệ của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776 mở đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam.

Đông đảo Nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch
Hồ Chí minh đọc tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945. (Ảnh: Tư liệu)

             Lịch sử nước ta đầy truyền thống nhân văn. Chúng ta đã từng sẵn sàng chu cấp cho kẻ thù rút khỏi nước ta “đi bộ thì ta cho ngựa, đi thủy thì ta cấp thuyền”. Chúng ta tuân theo thứ triết học nhân văn phương Đông, đồng thời có tính nhân loại. Đó là thế ửng xử chung “Cái ta không muốn, ắt người chẳng ưa” (Kỷ sơ bất dục, vật thi ư nhân). Triết lý của đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương nguyên tắc đạo đức ấy…

        Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 bắt đầu bằng một định đề triết học nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1791 với những nguyên lý không thể nào chối cãi được. Sau đó, bằng những liệt kê tóm lược về tội trạng ăn cướp, tước đoạt mà bất cứ ai có lương tri đều thấy sự phi lý của nó. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 như lời tuyên án chế độ thực dân trong ngày phán xử cuối cùng.

           “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Đó là cái “muốn” của nhân dân Mỹ đấu tranh cho lẽ sống của mình.

           “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi…”. Đó là nguyện vọng của quần chúng bình dân trong cuộc cách mạng Pháp đấu tranh vì lẽ sống của mình.

                Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu triết lý nhân văn, tinh hoa trí tuệ của Nhân dân Pháp - Mỹ. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 tự bản chất như toát lên sự gặp gỡ của dòng triết học phương Đông và phương Tây.

                Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 với tư tưởng nhân văn như dòng quy tụ triết học nhân văn Á - Âu - Mỹ, dòng hợp lưu trí tuệ của nhân loại với Việt Nam, thành vũ khí đấu tranh, buộc ngay cả kẻ thù chỉ cần một chút lương tri cũng phải thừa nhận.

            Trải qua hơn bảy thập kỷ, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khắc sâu vào tâm khảm bao thế hệ người Việt Nam.









Bài viết nổi bật

Hưởng ứng lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 8

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi n...

Bài viết phổ biến