Hiển thị các bài đăng có nhãn Gương sáng quanh ta. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gương sáng quanh ta. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Người thầy thuốc của Nhân dân • THANH HẰNG

                     KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/02/1955 - 27/02/2022)        

               Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, Bác sĩ Lê Quốc Bảo, sinh năm 1980, bác sĩ chuyên khoa 1, hiện đang công tác tại Khoa Nội tổng quát. Là một bác sĩ rất yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh, coi người bệnh như là người thân ruột thịt của mình.

          Với hơn 20 năm gắn bó với Bệnh viện quận, là một thầy thuốc giỏi chuyên môn và rất tận tâm với bệnh nhân. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Bảo luôn lắng nghe, ân cần, động viên và tế nhị chia sẻ về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Đây chính là liều thuốc tinh thần được bác sĩ Bảo kê thêm cho mỗi bệnh nhân, bên cạnh những viên thuốc đắng, luôn có vị ngọt của lời dặn dò dành cho bệnh nhân của mình.


Bác sĩ Bảo thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: NH)

          Bác sĩ Bảo chuyên khám những bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid, viêm dạ dày, rối loạn tiền đình… cho nên lượng bệnh nhân đa số là người trung tuổi và lớn tuổi. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, họ rất lo lắng dẫn đến bệnh càng nặng hơn. Do vậy mỗi lần khám bệnh, bác sĩ Bảo luôn lắng nghe bệnh nhân trình bày tiểu sử bệnh của mình, những lo lắng của bệnh nhân, nhằm đưa ra những đơn thuốc hiệu quả. Đồng thời động viên, trấn an bệnh nhân yên tâm điều trị.

          Bà Nguyễn Thị Phương, 65 tuổi, ngụ tại Phường 12 chia sẻ: tôi bị bệnh tăng huyết áp gần 5 năm nay, trước đây tôi rất sợ tới bệnh viện, những ngày đầu mới bị bệnh này tôi rất lo lắng, càng làm cho bệnh càng nặng. Được bác sĩ Bảo thăm khám, nhiệt tình tư vấn, tôi rất yên tâm, tiền thuốc được bảo hiểm thanh toán, nên chi phí củng chẳng tốn là bao. Đến nay bệnh huyết áp của tôi đã ổn định.

          Trong năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bác sĩ Bảo được phân công khám bệnh cho các bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân hậu Covid-19. Đây là hai đối tượng rất nhạy cảm vì tâm lý rất lo lắng, ám ảnh quá nhiều về bệnh tật. Vì thế việc tư vấn chuyên môn và khám bệnh đòi hỏi phải kiên nhẫn và lắng nghe bệnh nhân, tạo động lực để bệnh nhân ổn định tâm lý. Nhất là những bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền là những người lớn tuổi; họ luôn mang tâm lý lo lắng, hoảng loạn làm bệnh càng diễn biến phức tạp. Đây là lúc bác sĩ Bảo phải vận dụng cả kiến thức chuyên môn kiến thức về tâm lý để vừa động viên, tư vấn, khám chữa bệnh cho họ đạt kết quả cao.

          Bên cạnh đó bác sĩ Bảo còn rất quan tâm đến đội ngũ bác sĩ trẻ, sẵn sàng hỗ trợ hết mình, tận tình hướng dẫn khi họ có khó khăn về chuyên môn. Thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật của bệnh viện để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

          Số lượng bệnh nhân đăng ký được bác sĩ Bảo khám luôn rất cao, nhiều đồng nghiệp còn nói vui “bác sĩ Bảo là thương hiệu của bệnh viện quận, nên rất nhiều bệnh nhân đến đây đều mong muốn được khám bác sĩ Bảo”. Khi ấy, bác sĩ chỉ cười hiền và trả lời “tôi chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của một thầy thuốc”. Với tay nghề và y đức của mình, bác sĩ Bảo là một thầy thuốc luôn làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện một lương y như từ mẫu. hết lòng vì dân, tận tâm chữa bệnh cứu người.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Hết lòng với công tác nhân đạo - P. AN

 Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1967) với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ Phường 17 luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, là gương sáng trong hoạt động phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương.


Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (phải) trao quà cho hội viên khó khăn. (Ảnh: T. Hương)

Gắn bó công tác tại địa phương đã 11 năm nay (năm 2010) và lần lượt giữ nhiều nhiệm vụ: Tổ trưởng Phụ nữ tổ 10, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố, thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường, khu phố 1, Tổ trưởng mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ Phường 17... Trong suốt quá trình công tác Hội, chị Hà luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào Chữ thập đỏ, công tác xã hội nhân đạo. Chị luôn ý thức rằng: Người làm công tác nhân đạo cần phải có tâm, biết đồng cảm với người nghèo khó. Từ suy nghĩ đó, cùng với các ủy viên Ban chấp hành Hội luôn chủ động đến từng chi hội, củng cố tổ chức mạng lưới chi, tổ hội và tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia công tác nhân đạo nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hội viên gặp hoạn nạn; khảo sát, nắm danh sách từng trường hợp, hoàn cảnh cần giúp đỡ để có kế hoạch vận động trợ giúp cho phù hợp. Điển hình năm 2020, vận động hội viên, mạnh thường quân, Nhân dân nguồn kinh phí trên 38 triệu đồng để tổ chức hoạt động sinh hoạt hè, tặng sách vở cho 20 học sinh vượt khó hiếu học, tặng 10 thẻ bảo hiểm y tế, trên 100 suất quà các gia đình thuộc diện chính sách, cán bộ Hội, hội viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn... Riêng năm 2021, từ nguồn hỗ trợ của cộng đồng, giúp Hội Chữ thập đỏ Phường 17 tổ chức gian hàng 0 đồng chăm lo cho 75 hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 18 triệu đồng, duy trì các bếp ăn yêu thương và nấu được 130 suất ăn, phát 130 phần quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền gần 40 triệu đồng. Đồng thời, vận động hội viên tham gia mô hình gia đình hội viên làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể như: thực hiện tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cháu chăm ngoan học giỏi, không vi phạm pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khu phố, tổ dân phố - Mặt trận văn hóa. Chị đã 26 lần tham gia hiến máu tình nguyện và cũng vận động người thân hưởng ứng phong trào này. Trong cao điểm đợt dịch lần thứ 4, chị Ngọc Hà còn tình nguyện tham gia hỗ trợ các mặt công tác chống dịch tại địa phương như: phát loa tuyên truyền nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, phụ test cộng đồng… Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ, chị bị nhiễm bệnh và lây cho 4 người con, 1 người cháu họ nên cả nhà phải đi cách ly tập trung 21 ngày. Sau khi khỏi bệnh, chị tiếp tục công việc tiếp nhận, phân phát nhu yếu phẩm, rau củ quả các loại, phát tiền hỗ trợ cho người dân, các con cũng phụ chị tham gia công tác này.

Với những thành tích trên, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà luôn được Hội Chữ thập đỏ, UBND quận, phường tặng giấy khen, là gương sáng cho cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ học tập và noi theo.

Luôn quan tâm chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội - P. AN

 KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM (23/11/1946 - 23/11/2021)

Với chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, tuy gặp không ít khó khăn trong hoạt động nhưng với tấm lòng nhân ái không bờ bến của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân luôn sát cánh, hỗ trợ tổ chức Hội vượt qua mọi khó khăn. Qua đó thôi thúc, nung nấu bầu nhiệt huyết của người cán bộ Hội vượt qua mọi trở ngại chăm lo thiết thực, hiệu quả cho những mảnh đời bất hạnh, những người dễ bị tổn thương trong xã hội và các hoạt động xã hội nhân đạo đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân cả nước. 


Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ quận tặng trang phục bảo hộ cho Bệnh viện quận. (Ảnh: Quỳnh Như)

Riêng tại quận Bình Thạnh, trong năm 2021 các cấp Hội tập trung củng cố công tác tổ chức nhân sự các Hội cơ sở. Vận động được sự đồng tình hưởng ứng ủng hộ của cộng đồng trong công tác xã hội nhân đạo. Qua đó, hỗ trợ Hội thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn như: bữa cơm người già neo đơn, học bổng Chữ thập đỏ cho học sinh vượt khó hiếu học, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, khám chữa bệnh miễn phí, hiến máu cứu người… Từ đó, giúp đời sống của Nhân dân từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Hội Chữ thập đỏ quận, cơ sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung thực hiện chỉ thị này thông qua các hính thức phát loa, xe gắn máy lưu động, phát tờ gấp đến Nhân dân. Đồng thời, Hội các cấp còn vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, thông qua những hoạt động thiết thực như: tặng tiền mặt, tặng quà, hỗ trợ nguồn hàng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly quận, Bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, người dân tại các khu phong tỏa, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (người lao động phổ thông bị mất việc, người bán vé số, bán ve chai…). Phối hợp các cơ sở mai táng trên địa bàn quận hỗ trợ 17 chiếc áo quan cho các bệnh nhân chết do dịch. Riêng các Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, Bảo Vân, Thiện Khai Tâm, Sen Việt vẫn duy trì hằng ngày nấu, phát cơm cho các chốt bảo vệ, buổi sáng phát cháo cho Bệnh viện Ung Bướu, khu cách ly, phát khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm cho người lang thang, cơ nhỡ với tổng kinh phí trị giá 4,634 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xây dựng lực lượng tình nguyện viên có xe ô tô tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cứu trợ, người bệnh đến bệnh viện, hỗ trợ đưa người dân ra sân bay,… với tổng cộng 7 xe (trong đó 3 chiếc xe 7 chỗ, 2 xe bán tải, 2 xe tải nhỏ).  Phân công lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển, hỗ trợ mua hàng hóa tại các khu cách ly. Vận động trên 180 y bác sĩ, lái xe, tình nguyện viên có kỹ năng sơ cấp cứu tham gia hỗ trợ các Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế, các điểm cách ly của quận, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận.

Kế thừa, phát huy truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt 75 năm qua, Quận hội và cơ sở sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, năng động, sáng tạo, nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo; sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động Hội, phát huy mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác xã hội nhân đạo, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chính sách xã hội của thành phố.

Cô giáo yêu nghề và sáng tạo - MH

 Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiếu, dạy lớp 3/2, trường Tiểu học Lam Sơn, từ khi còn là sinh viên cô đã nỗ lực học tập và đạt thành tích cao trong các môn thi toán học. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học không ngừng chảy trong ý chí và nghị lực khi cô trở thành giáo viên đứng trên bục giảng tại trường Tiểu học Lam Sơn.


Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu trong giờ lên lớp môn toán. (Ảnh: MH)

Để những bài giảng trên lớp không còn là những con số khô khan, những hình tròn, hình vuông vô cảm đã trở thành miền tri thức kỳ diệu để những học trò nhỏ háo hức say mê khám phá. Cô luôn ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc dạy học với bảng tương tác, giáo án điện tử để tiết học thêm sinh động, lôi cuốn học sinh. Đồng thời, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn toán lớp 3 với mục đích ứng dụng toán học để học sinh trải nghiệm học tập thực tế, vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học vào thực tiễn. Những sáng kiến kinh nghiệm của cô Minh Hiếu được Hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá cao, được nhiều đồng nghiệp ứng dụng trong việc dạy học. Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn học sinh làm các mô hình, đồ dùng dạy học từ vật liệu phế thải như: mô hình đồng hồ từ những chiếc CD cũ để học sinh cùng nhau thực hành ôn tập cách xem đồng hồ, nhận dạng hình tròn… Mô hình trường học thân thiện, mô hình vườn trường, mô hình ngôi nhà mơ ước của em trong tương lai… đến những vật dụng đơn giản gần gũi như: kệ sách, khung hình, tàu lửa… và những sản phẩm trang trí, giải trí theo các mùa lễ hội trong năm: cây thông giáng sinh, lồng đèn trung thu… Từ những mô hình này giúp học sinh có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, biết hợp tác nhóm cùng nhau đo đạc tự làm Bản tin lớp học; cùng người thân tính toán để tự thiết kế trang trí góc học tập tại nhà phù hợp với thực tế căn phòng, tạo động lực tích cực cho việc dạy học và rèn luyện của học sinh tại nhà. Bên cạnh đó, cô tự thiết kế và hoàn thiện thành công tủ sách đạo đức Bác Hồ, sách Văn học tại lớp với số lượng sách truyện khá phong phú, hướng dẫn học sinh, kích thích đam mê đọc sách, phát huy văn hóa đọc đến các em, giúp các em có đam mê đọc sách không chỉ ở lớp mà còn ở nhà, giúp các em phát triển nhân cách, tâm hồn. Ngoài ra cô còn hướng dẫn học sinh trang trí lớp học bằng các sản phẩm tái chế thể hiện ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu trường lớp… phát huy năng lực thẩm mỹ, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh giúp các em thể hiện ước mơ và định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Trong thời gian các em học Online, để phòng, chống dịch Covid-19, cô Minh Hiếu luôn động viên, giúp đỡ kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các em học sinh không may là F0 theo kịp bài học. Bố trí thời gian dạy học hợp lý, lồng ghép trò chơi học tập, tư duy hình ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh tương tác trực tiếp trên máy tính. Đồng thời hướng dẫn học sinh, tạo thói quen tập thể dục đầu giờ học, động viên các em hình thành thói quen đọc sách, làm các sản phẩm thủ công, mỹ thuật sáng tạo kết hợp khen thưởng, tuyên dương, giúp học sinh hứng thú hơn trong thời gian học Online đạt kết quả tốt.

Từ những nỗ lực và tâm huyết với nghề, năm 2020 cô Minh Hiếu vinh dự được nhận giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; từ năm học 2015 - 2016 đến nay liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngoài ra, còn đạt giải khuyến khích hội thi giáo viên dạy giỏi giải Chu Văn An lần thứ XV cấp quận năm học 2018 - 2019 và nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận…



Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiếu (thứ 2, từ phải) nhận giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi khối tiểu học cấp thành phố năm 2020. (Ảnh: MH)

Chi hội trưởng gương mẫu, năng động - K. HUYỀN

 Đến với Chi Hội khu phố 1 của Hội LHPN Phường 26, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ luôn tất bật với công tác Hội. Đó là cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Chi Hội trưởng. Dù đã lớn tuổi và bận rộn việc gia đình nhưng cô vẫn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nhiều năm liền giữ vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ, cô Trang luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn tích cực thực hiện và tuyên truyền cho hội viên thực hiện tốt các phong trào 5 không, 3 sạch, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; rèn luyện 4 phẩm chất tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang. Mặt khác, cô quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như tâm tư nguyện vọng của chị em hội viên. Thường xuyên, thăm hỏi, động viên, đưa ra nhiều giải pháp và vận động chi hội cùng chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên khó khăn như: nuôi heo đất từ việc tiết kiệm điện, nước, chi tiêu, tặng xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế, tập vở cho các em thiếu nhi nghèo học giỏi, tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền, văn nghệ... Bên cạnh đó, cô còn tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là công tác tư vấn và xét nghiệm cho các chị em tiếp viên kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, truyền thông chăm sóc sức khỏe và tư vấn xét nghiệm HIV. Cô luôn sâu sát quản lý, hỗ trợ chăm sóc phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS, nắm tâm tư nguyện vọng của hội viên để đề xuất hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt hằng năm vào các ngày kỷ niệm 08/3, 28/6, 20/10… cô vận động kinh phí từ mạnh thường quân để thăm, tặng quà cho các cụ già neo đơn. Với những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cô hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ CEP, quỹ Phụ nữ tín dụng tiết kiệm giúp chị em có vốn kinh doanh, buôn bán tăng thêm thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Đối với Hội Phụ nữ cơ sở và phong trào địa phương, cá nhân cô cũng đóng góp tích cực, cùng chung tay với tổ chức Hội quan tâm, chăm lo cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội.


Cô Nguyễn Thị Thùy Trang hỗ trợ làm hồ sơ cho hội viên vay vốn. (Ảnh: KH)

Với những việc làm thiết thực, cô được UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố (2003 - 2013); Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tặng Giấy khen về các thành tích trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998 - 2013) và được tuyên dương gương điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Người phụ nữ tích cực trong công tác xã hội - Mỹ Duyên

 Hầu hết bà con cư ngụ tại khu phố 4, Phường 19 đều biết đến cô Lê Thị Phượng Loan bởi cô còn có một biệt danh đáng yêu là “Người phụ nữ cán sự thầm lặng”. Đây là cách nói thân thương mà cán bộ, hội viên dành cho cô, bởi cô Loan là một người bao dung, vị tha và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dù ở cương vị nào cô cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 


Cô Lê Thị Phượng Loan (giữa) trong một lần giao lưu với cán bộ Hội phường. (Ảnh: Bảo Khang)

Trước kia cô Phượng Loan làm việc tại Công ty dệt Phước Long, sau khi nghỉ hưu tham gia công tác tại địa phương, giữ nhiều trọng trách tại phường, khu phố. Với ý thức của người đảng viên, cô luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không nề hà, từ chối nhiệm vụ nào khi được giao, dù đó là những việc khó. Trong suốt quá trình công tác, cô luôn được đảng viên, Nhân dân tin tưởng bầu vào các chức danh như: Phó Bí thư Chi bộ khu phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Trưởng khu phố, Đội trưởng Đội chống ma túy - mại dâm khu phố 4 từ năm 2006 đến nay. Tiếp đó, đảm nhận thêm nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng chính sách, Đội trưởng Đội cán sự xã hội tình nguyện phường từ năm 2009 đến nay.

Tuy đã ngoài 60 tuổi, bị bệnh cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ nhưng cô Phượng Loan vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, thiện nguyện, quan tâm những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Với vai trò là tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cô luôn bảo đảm bình xét đúng đối tượng, vận động người dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả… giúp nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn, tạo công ăn việc làm tại địa phương, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Có 53 hộ được cô Loan giới thiệu vay vốn Ngân hàng chính sách với số tiền gần 1,7 tỷ đồng để buôn bán, giúp 13 hộ thoát nghèo. Và, với vai trò là Đội trưởng Đội cán sự xã hội tình nguyện, cô luôn sâu sát, thăm hỏi, động viên, nắm tâm tư nguyện vọng các đối tượng hồi gia sau cai để chăm lo kịp thời, tạo điều kiện cho họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Cô đã đề xuất hỗ trợ cho 15 trường hợp hồi gia sau cai với tổng số tiền khoảng 450 triệu đồng, nhờ đó có 8 trường hợp hoàn lương, có công việc ổn định.

Mặc dù gia đình có nhiều khó khăn và tuổi cao, sức khỏe giảm sút, phải chăm hai người em bị bệnh nặng, mọi sinh hoạt đều do cô đảm đương, nhưng với lòng nhiệt huyết, cô Phượng Loan vẫn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Liên tục trong các năm từ 2006 đến 2019 cô Loan được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ quận tặng nhiều Giấy khen. 

Có thể nói, những việc làm không ồn ào mang ý nghĩa đời thường của “Người phụ nữ cán sự thầm lặng” ấy đã lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực đến chị em phụ nữ tại cơ sở. Từ đó, tạo thành nguồn động lực mạnh mẽ giúp cho thế hệ phụ nữ trẻ ở cơ sở tự khẳng định vị thế, chủ động, sáng tạo phát huy ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. 

Người thủ lĩnh thanh niên đa tài - ANH VINH

Hầu hêt thanh niên và người dân trên địa bàn Phường 24 quận Bình Thạnh rất thân thuộc với hình ảnh của anh Phạm Như Hải, Bí thư Đoàn đồng thời là Chủ tịch Hội LHTN phường. Anh là người luôn tiên phong đi đầu trong mọi công tác, luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo, lòng nhiệt huyết và luôn cống hiến hết mình, từng bước đưa phong trào thanh niên của phường phát triển vững mạnh.

Là một thủ lĩnh thanh niên năng động, nhiệt huyết, gần gũi và sâu sát với thanh niên, anh Hải luôn sáng tạo, đổi mới trong cách làm để thu hút thanh niên đến với tổ chức Hội và đưa phong trào thanh niên tại địa phương không ngừng phát triển. Anh đã cùng với Ủy ban Hội LHTN Việt Nam thống nhất đưa ra giải pháp tập hợp thanh niên thông qua các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm sở thích và cũng từ đó các Câu lạc bộ Nhảy dân vũ, Guitar Đam mê, kỹ năng, văn nghệ, đặc biệt là các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu phố ra đời. Thông qua các mô hình này tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả tại địa phương.



Phạm Như Hải (bìa phải) trao quà cho người dân khó khăn. (Ảnh: AV)

Với đặc thù của phường có số lượng thanh niên tôn giáo đông, anh cùng với thành viên Ủy ban Hội cơ cấu phụ trách tôn giáo cũng là người đang có chức sắc trong đạo để ráp nối, vận động gia đình tín đồ tham gia các hoạt động thiết thực, phục vụ nhu cầu người dân, lợi ích cho xã hội như: An sinh xã hội, vệ sinh môi trường…, qua đó giúp các bạn trẻ thấy được những việc làm, hình ảnh đẹp của tổ chức Hội cùng tham gia cống hiến cho địa phương và cũng mở đầu cho việc mời gọi các bạn tham gia các hoạt động Hội, Đoàn sau này. Một điểm sáng cần nhắc đến là, ngay từ khi mới bùng dịch (tháng 5/2021), anh Hải đã tích cực vận động các bạn hội viên tình nguyện tham gia tuyến đầu tại Gò Vấp, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại các Phường 3, 5, 15. Sau đó, anh quay về địa phương nhanh chóng vận động thành lập các đội hình chống dịch tại phường với đông đảo các tình nguyện viên là lực lượng thanh niên đến từ nhiều ngành nghề, sở thích, tôn giáo khác nhau cùng tham gia. Các thành viên trong đội hình luôn xung kích ngày đêm trực chốt phong tỏa, chốt kiểm soát; phối hợp Trạm Y tế hỗ trợ xét nghiệm, nhập liệu, vận chuyển các nhu yếu phẩm của mạnh thường quân đến các điểm phong tỏa, khử khuẩn, góp phần cùng với các lực lượng khác đẩy lùi dịch bệnh.

Bạn Thiên Ân, một tình nguyện viên của phường chia sẻ về anh Hải: “Bình thường anh là một người dễ gần, vui tính và dễ thương. Trong công tác anh là người rất nghiêm túc và là người đa năng. Hầu như việc gì anh cũng biết làm và thường xuyên truyền đạt, hướng dẫn lại cho mọi người. Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn tình nguyện viên ở phường đều rất quý anh”.

Trong dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội LHTN Vệt Nam, Phạm Như Hải vinh dự là thanh niên đại diện của quận được giới thiệu nhận giải thưởng 15 tháng 10 - giải thưởng dành cho cán bộ Hội có nhiều thành tích tiêu biểu do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng.

Phạm Như Hải (bìa phải) trao quà cho trẻ em nghèo khó khăn. (Ảnh: AV)




Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Chiến đấu đến cùng để giành lại sự sống

 Nội dung dưới đây được trích từ nhật ký những ngày bị nhiễm Covid-19 của cô Đ.T.N, sinh năm 1953, ngụ tại Phường 22, quận Bình Thạnh.

Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ là mình bị dương tính với Covid-19, vì 3 tháng gần đây tôi chỉ ở trong nhà và không đi đâu cả. Duy nhất vào ngày 05/8/2021 khi các con đều bận làm việc Online, tôi tự mình ra siêu thị mua đồ ăn. Thế nhưng, 5 ngày sau đó, tôi đau đầu, chóng mặt quay cuồng, không tự mình lấy được vỉ thuốc ngay trên đầu giường. Chuyện gì xảy ra thế này? Thầm nghĩ đã mấy năm nay mình không còn bị bệnh rối loạn tiền đình nữa. Gắng ngồi dậy, tôi bị ói và rất mệt. Trận chiến bắt đầu từ đây. Ngày 11/8/2021, tôi bắt đầu sốt 39◦, ăn gì cũng ói, rất mệt và đau khắp người như vừa bị ai đánh. Tôi bắt đầu nghi ngờ mình bị nhiễm Covid-19, mặc dù đã được tiêm vắc xin mũi thứ nhất.

Ngày hôm sau các con đưa tôi đến bệnh viện xét nghiệm. Tuy hoang mang nhưng vẫn hy vọng mình không bị nhiễm Covid-19. Thế rồi, ngay chiều hôm đó, bệnh viện gọi điện báo tin tôi bị dương tính. Lúc ấy tôi lo lắng tột cùng, bởi bản thân bị bệnh đái tháo đường và tim mạch, nhà còn hai cháu rất nhỏ. Cả nhà tiếp tục tiến hành xét nghiệm nhanh, rất may cả con trai, dâu và các cháu đều âm tính. Sau một hồi trấn tĩnh, các con tôi thống nhất đưa hai cháu nhỏ sang căn nhà trống mà khách hàng vừa trả lại tháng trước, nhờ ông bà ngoại đến chăm giúp. Đồng thời khai báo y tế và xin chính quyền được cách ly, chữa trị tại nhà. Gia đình cấp tốc trang bị bình ô-xy, máy đo huyết áp, nhiệt kế, máy đo Sp02…

Những ngày sau đó, tôi sốt đi, sốt lại, đau đầu, đau cơ đến không tả nổi. Hằng đêm không sao ngủ được, mệt quá, tưởng như không còn hy vọng nữa. Nhưng nhờ các bác sĩ tận tình tư vấn, hướng dẫn và sự động viên của con cháu, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mỗi ngày ngoài đơn thuốc của bác sĩ kê, tôi kết hợp súc họng và rửa mũi, tập các động tác hít thở… dù miệng đắng nghét tôi cũng cố gắng chia nhỏ bữa ăn ra nhiều lần để có thể ăn uống đầy đủ. Một tuần sau, ngày 19/8/2021, tôi được y tế phường test nhanh cho kết quả âm tính lần 1. Tuy còn ho nhưng bệnh đã giảm nhiều và qua cơn nguy kịch. Đến ngày 28/8/2021, tiếp tục test nhanh và cũng cho kết quả âm tính lần 2. Và thế là tôi đã dần hồi phục tốt.

Qua cơn thập tử nhất sinh lần này, tôi mới thấy được việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là rất may mắn. Nhờ đó, mức độ nhiễm Covid-19 của tôi cũng nhẹ hơn và được thần chết từ chối đưa đi. Vì vậy chúng ta hãy tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi đến lượt, mỗi người có quyền chọn tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc không nhưng không thể chọn được việc mình không bị nhiễm Covid-19. Thêm vào đó, luôn tuân thủ thông điệp 5K, giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Đặc biệt, đừng bao giờ kỳ thị những người bị F0, vì họ cũng có thể là cha mẹ, anh em và bản thân chúng ta. Chính từ việc chăm sóc, động viên của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh để những bệnh nhân F0 như tôi vượt qua thử thách và chiến thắng.

MH

Người cán bộ Chữ thập đỏ quyết tâm giữ vững vùng xanh - Mỹ Dung

 Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống; việc thiết lập các “vùng xanh” tự quản an toàn được xem là một trong những “chìa khóa” để quận nhà nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung sớm được kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. 

Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid-19, anh Lê Công Toại, Tổ trưởng tổ dân phố 95, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ khu phố 5, Phường 25 là một trong những gương điển hình của phong trào lập chốt “bảo vệ vùng xanh” phòng chống Covid-19 tại hẻm 886 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cư dân sinh sống tại đây có trên 100 hộ, mọi người đều rất an tâm khi ngay trước hẻm là chốt “bảo vệ vùng xanh”. Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, với phương châm “phòng hơn chống” chủ động bảo vệ những khu vực không có dịch, anh Toại đứng ra lập chốt bảo vệ này. Để đủ lực lượng giám sát, anh vận động thêm 2 thành viên để cùng anh hằng ngày thay nhau trực chốt 24/24. Việc lập chốt này nhận được sự đồng tình ủng hộ của tất cả người dân sinh sống nơi đây. Mọi người đều tự nguyện thực hiện nghiêm các quy định nhằm bảo vệ khu dân cư mình sinh sống với phương châm “mỗi gia đình, mỗi khu dân cư là một pháo đài chống dịch”. Việc kiểm soát “vùng xanh” được thực hiện theo nguyên tắc “Giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, các hộ gia đình chỉ có một lối đi duy nhất và phải tuân thủ quy định 5K, những người vận chuyển hàng hóa chỉ được giao hàng tại ngay đầu chốt. Chính nhờ có những quy định cụ thể và ý thức chấp hành nghiêm của cư dân, đến thời điểm hiện nay hẻm 886 vẫn là tuyến hẻm tương đối an toàn của người dân nơi đây.

Anh Lê Công Toại trực chốt bảo vệ vùng xanh. (Ảnh: HĐ)

Anh Lê Công Toại trực chốt bảo vệ vùng xanh. (Ảnh: HĐ)

Anh Toại chia sẻ: “Khi lập chốt, tập thể người dân ở đây đều đồng thuận và vui mừng. Mọi người biết rõ việc lập “chốt bảo vệ vùng xanh” sẽ giúp hạn chế sự lây lan dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Hẻm chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và siết chặt việc trực chốt với quyết tâm không để dịch xâm nhập”.

Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh đã có gần 200 chốt “bảo vệ vùng xanh” được thiết lập, hoạt động có hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng. Đây được xem là một trong những giải pháp căn bản nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới trở thành địa bàn an toàn. 

Sáng ngày 05/8/2021, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trong dịp kiểm tra công tác phòng chống dịch, tặng quà cho người dân tại các “vùng xanh” trên địa bàn quận Bình Thạnh, anh Toại đã vinh dự được lãnh đạo Thành phố trao quà, thăm hỏi, động viên. 

Chị Trần Thị Kim Phượng, cư dân sống tại hẻm 886 cũng tham gia trực chốt chia sẻ: “Tham gia trực chốt là để bảo vệ sự an toàn cho gia đình và bà con lối xóm. Việc lập chốt của anh Toại là một cách làm rất hay, được người dân trong hẻm hết sức hưởng ứng”.

Có thể thấy, giữa đại dịch Covid-19, những mô hình “vùng xanh” tự quản không chỉ thể hiện sự chủ động mà còn giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống dịch. Qua đó càng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình đối với xã hội, là điều kiện để mọi công dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn và chiến thắng dịch bệnh. Mô hình “vùng xanh” cũng giúp giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Đồng thời giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào những vùng chưa có dịch, là cơ sở để từng bước mở rộng những khu vực an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Nữ cán bộ Đoàn thanh niên xung kích trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh

Thuận Phan 

Đó là bạn Lê Thị Yến Nhi, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 1, Phường 22.

Trước đây công việc chính của Yến Nhi là kỹ thuật viên tại Charme Spa. Do dịch Covid-19 nên phải tạm nghỉ. Những đợt dịch trước, khi thấy Thành phố đang “bị bệnh”, bản thân với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn, Yến Nhi rất mong muốn được tham gia chống dịch, nhưng những lần ấy chỉ có những người trong ngành y mới được tiếp nhận. Đến khi đợt dịch thứ 4 xảy ra (khoảng đầu tháng 6/2021) nhận thông tin từ Bí thư Đoàn phường, thế là bạn đăng ký tham gia ngay. Công việc Yến Nhi được phân công là hỗ trợ trao quà cho các hộ đang bị cách ly, hộ khó khăn trên địa bàn và điều phối lấy mẫu tầm soát, nhập liệu, trực chốt kiểm soát... Tuy nhiên, khi biết Ban Chỉ huy Quân sự quận tuyển lực lượng tình nguyện tham gia công tác tại các bệnh viện dã chiến, Yến Nhi không ngần ngại đăng ký ngay với Ban Chỉ huy Quân sự phường với mong muốn được tham gia hỗ trợ người bệnh chiến đấu giành lại sự sống. Em xin ý kiến gia đình nhưng bị mẹ ngăn cản. Yến Nhi kiên trì vừa khóc phân tích, bởi bản thân rất muốn đóng góp một chút sức trẻ của mình cho cộng đồng, muốn hỗ trợ bà con mình bằng những việc có thể làm được. Em nói rằng “Nếu ai cũng sợ dịch thì lấy ai chống dịch, khi Thành phố đang “bị bệnh” rất cần những người trẻ như chúng con chung sức để có thể bảo vệ nơi này. Mẹ yên tâm, con phải bảo vệ bản thân thật tốt mới có thể bảo vệ cho mọi người”. Thấy sự quyết tâm của Yến Nhi, mẹ em cũng hiểu nhưng vẫn rất lo lắng, bà lặng lẽ chuẩn bị vật dụng cho con gái lên đường. Trước khi vào nơi nguy hiểm, Yến Nhi cũng gợn chút buồn và thương mẹ, bởi suốt bao năm qua chưa xa mẹ ngày nào, nhưng em xác định đã quyết tâm làm việc đúng đắn thì không hối hận. Em nói với mẹ khi nào hết giãn cách xã hội thì về nhưng thật ra phải thực hiện nhiệm vụ tới khi hết dịch. Trong lòng Yến Nhi nghĩ con đã nói dối mẹ rồi, đến khi hết dịch con sẽ về tạ lỗi với mẹ sau!.

Lê Thị Yến Nhi trực chốt tại ngã tư Phú Mỹ - Ngô Tất Tố. (Ảnh: T. Phan)
Lê Thị Yến Nhi trực chốt tại ngã tư Phú Mỹ - Ngô Tất Tố. (Ảnh: T. Phan)

Sáng 25/7/2021, Yến Nhi được điều động đến bệnh viện dã chiến thu dung số 1 tại Thành phố Thủ Đức. Em được phân công nhập liệu và hậu cần, thế mà tới lúc trưa lại nhận được lệnh điều động quay trở về quận nhà. Khi biết tin em trở về, gia đình, bạn bè đều mừng vui, riêng Yến Nhi rất buồn vì đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho chuyến đi, nhưng không như mong muốn. Đến chiều 27/7, em nhận được lệnh tham gia hỗ trợ các khu cách ly tập trung tại quận Bình Thạnh. Một lần nữa Yến Nhi lập tức thu dọn hành trang đến ngay Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm bản thân và nhanh chóng hòa nhập vào đơn vị mới. Tại đây, các chiến sĩ tình nguyện đều là nam, chỉ có Yến Nhi và một bạn nữa là nữ. Một cán bộ phụ trách cũng hỏi có ngại, có sợ cực không khi ở đây đa số là nam. Yến Nhi thẳng thắn trả lời “Em không ngại, cũng không sợ cực, nếu sợ em đã không đăng ký tình nguyện tham gia!”. Ngay đó, Yến Nhi cùng một số chiến sĩ dân quân được phân công về Trường Tiểu học Thanh Đa. Tại đây, có nhiều khó khăn chỉ có 1 bác sĩ và 2 chiến sĩ dân quân nhưng phải hỗ trợ đến 204 người. Mỗi ngày, bắt đầu công việc từ 6 giờ, vệ sinh dọn dẹp khu ở, 7 giờ nhận thức ăn sáng, Yến Nhi cùng các bạn chuyển đến người cách ly, 9 giờ thay phiên nhau vận chuyển hàng hóa của người nhà hoặc nhân viên giao hàng gửi đến. Sau đó, đi gom rác thải, dọn dẹp và phun khử khuẩn 3 lần/ngày, 12 giờ tiếp tục gửi các suất ăn cho người cách ly, 13 giờ 30 dọn vệ sinh. Đến lúc này Yến Nhi và những người thực hiên nhiệm vụ mới được dùng cơm trưa. Sau ít phút nghỉ ngơi, tiếp tục công việc nhập liệu và tiếp nhận hàng hóa vật dụng từ bên ngoài gửi vào cho đến lúc phục vụ bữa cơm chiều. Đêm về, các bạn phân công nhau trực, vì thế có đêm ngủ chỉ được vài ba tiếng đồng hồ. Vậy mà những khó khăn, vất vả ấy không làm Yến Nhi chùn bước còn giúp em quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn khi được chăm sóc bà con từ miếng ăn đến giấc ngủ. 

Điều làm Yến Nhi luôn xúc động là khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, em lại thương các bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ tình nguyện vô cùng. Vì thế, Yến Nhi xác định phải nỗ lực cống hiến hết sức mình cho quận nhà và Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu để sớm vượt qua đại dịch, trả lại sự yên bình, hạnh phúc cho mọi người.

Bài viết nổi bật

Hưởng ứng lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 8

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi n...

Bài viết phổ biến