Thuận Phan
Đó là bạn Lê Thị Yến Nhi, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 1, Phường 22.
Trước đây công việc chính của Yến Nhi là kỹ thuật viên tại Charme Spa. Do dịch Covid-19 nên phải tạm nghỉ. Những đợt dịch trước, khi thấy Thành phố đang “bị bệnh”, bản thân với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn, Yến Nhi rất mong muốn được tham gia chống dịch, nhưng những lần ấy chỉ có những người trong ngành y mới được tiếp nhận. Đến khi đợt dịch thứ 4 xảy ra (khoảng đầu tháng 6/2021) nhận thông tin từ Bí thư Đoàn phường, thế là bạn đăng ký tham gia ngay. Công việc Yến Nhi được phân công là hỗ trợ trao quà cho các hộ đang bị cách ly, hộ khó khăn trên địa bàn và điều phối lấy mẫu tầm soát, nhập liệu, trực chốt kiểm soát... Tuy nhiên, khi biết Ban Chỉ huy Quân sự quận tuyển lực lượng tình nguyện tham gia công tác tại các bệnh viện dã chiến, Yến Nhi không ngần ngại đăng ký ngay với Ban Chỉ huy Quân sự phường với mong muốn được tham gia hỗ trợ người bệnh chiến đấu giành lại sự sống. Em xin ý kiến gia đình nhưng bị mẹ ngăn cản. Yến Nhi kiên trì vừa khóc phân tích, bởi bản thân rất muốn đóng góp một chút sức trẻ của mình cho cộng đồng, muốn hỗ trợ bà con mình bằng những việc có thể làm được. Em nói rằng “Nếu ai cũng sợ dịch thì lấy ai chống dịch, khi Thành phố đang “bị bệnh” rất cần những người trẻ như chúng con chung sức để có thể bảo vệ nơi này. Mẹ yên tâm, con phải bảo vệ bản thân thật tốt mới có thể bảo vệ cho mọi người”. Thấy sự quyết tâm của Yến Nhi, mẹ em cũng hiểu nhưng vẫn rất lo lắng, bà lặng lẽ chuẩn bị vật dụng cho con gái lên đường. Trước khi vào nơi nguy hiểm, Yến Nhi cũng gợn chút buồn và thương mẹ, bởi suốt bao năm qua chưa xa mẹ ngày nào, nhưng em xác định đã quyết tâm làm việc đúng đắn thì không hối hận. Em nói với mẹ khi nào hết giãn cách xã hội thì về nhưng thật ra phải thực hiện nhiệm vụ tới khi hết dịch. Trong lòng Yến Nhi nghĩ con đã nói dối mẹ rồi, đến khi hết dịch con sẽ về tạ lỗi với mẹ sau!.
Lê Thị Yến Nhi trực chốt tại ngã tư Phú Mỹ - Ngô Tất Tố. (Ảnh: T. Phan) |
Sáng 25/7/2021, Yến Nhi được điều động đến bệnh viện dã chiến thu dung số 1 tại Thành phố Thủ Đức. Em được phân công nhập liệu và hậu cần, thế mà tới lúc trưa lại nhận được lệnh điều động quay trở về quận nhà. Khi biết tin em trở về, gia đình, bạn bè đều mừng vui, riêng Yến Nhi rất buồn vì đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho chuyến đi, nhưng không như mong muốn. Đến chiều 27/7, em nhận được lệnh tham gia hỗ trợ các khu cách ly tập trung tại quận Bình Thạnh. Một lần nữa Yến Nhi lập tức thu dọn hành trang đến ngay Trung tâm Y tế quận để lấy mẫu xét nghiệm bản thân và nhanh chóng hòa nhập vào đơn vị mới. Tại đây, các chiến sĩ tình nguyện đều là nam, chỉ có Yến Nhi và một bạn nữa là nữ. Một cán bộ phụ trách cũng hỏi có ngại, có sợ cực không khi ở đây đa số là nam. Yến Nhi thẳng thắn trả lời “Em không ngại, cũng không sợ cực, nếu sợ em đã không đăng ký tình nguyện tham gia!”. Ngay đó, Yến Nhi cùng một số chiến sĩ dân quân được phân công về Trường Tiểu học Thanh Đa. Tại đây, có nhiều khó khăn chỉ có 1 bác sĩ và 2 chiến sĩ dân quân nhưng phải hỗ trợ đến 204 người. Mỗi ngày, bắt đầu công việc từ 6 giờ, vệ sinh dọn dẹp khu ở, 7 giờ nhận thức ăn sáng, Yến Nhi cùng các bạn chuyển đến người cách ly, 9 giờ thay phiên nhau vận chuyển hàng hóa của người nhà hoặc nhân viên giao hàng gửi đến. Sau đó, đi gom rác thải, dọn dẹp và phun khử khuẩn 3 lần/ngày, 12 giờ tiếp tục gửi các suất ăn cho người cách ly, 13 giờ 30 dọn vệ sinh. Đến lúc này Yến Nhi và những người thực hiên nhiệm vụ mới được dùng cơm trưa. Sau ít phút nghỉ ngơi, tiếp tục công việc nhập liệu và tiếp nhận hàng hóa vật dụng từ bên ngoài gửi vào cho đến lúc phục vụ bữa cơm chiều. Đêm về, các bạn phân công nhau trực, vì thế có đêm ngủ chỉ được vài ba tiếng đồng hồ. Vậy mà những khó khăn, vất vả ấy không làm Yến Nhi chùn bước còn giúp em quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn khi được chăm sóc bà con từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Điều làm Yến Nhi luôn xúc động là khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, em lại thương các bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ tình nguyện vô cùng. Vì thế, Yến Nhi xác định phải nỗ lực cống hiến hết sức mình cho quận nhà và Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu để sớm vượt qua đại dịch, trả lại sự yên bình, hạnh phúc cho mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm