“Tết trồng cây” là công việc mà Bác Hồ đã phát động cho toàn dân ta từ tháng 11/1959. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy ở đó những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên.
Dưới đây là câu chuyện của một cán bộ phòng tuyên
truyền của Tổng cục Lâm nghiệp kể về Bác Hồ và “Tết trồng cây” những năm 60 của thế
kỷ trước:
Năm 1969, không ai ngờ đó là năm cuối cùng Bác Hồ đi trồng cây ở xã Vật Lại
(Hà Tây cũ). Nhưng từ khi Bác mất đến nay, hầu như tất cả các địa phương năm
nào cũng vẫn tiếp tục mở hội trồng cây. Những năm Bác Hồ còn sống, Người đều có
bài viết về Tết trồng cây để duy trì và động viên phong trào. Tôi là người được
ông Nguyễn Tạo - Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cử đi đưa công văn lên
Văn phòng Phủ Chủ tịch. Công văn báo cáo việc trồng cây của các tỉnh và kế
hoạch phát động “Tết trồng cây” của cả nước, đồng thời đề xuất bố trí địa điểm
để Bác chọn và đến địa phương trồng cây.
Năm ấy, sau khi đọc xong báo cáo của các tỉnh, Bác Hồ đề nghị ông Nguyễn
Tạo mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đến Phủ Chủ tịch để báo cáo thêm
những vấn đề chung quanh về “Tết trồng cây”. Thấy đồng chí Bí thư xách chiếc
cặp to, Bác hỏi luôn: “Cặp của chú đựng gì mà to thế?”. Đồng chí Bí thư bị hỏi
bất ngờ nên hơi lúng túng, rồi cũng trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu mang đủ tài
liệu của tỉnh để báo cáo Bác”. Bác lại bảo:
- Hôm nay Bác không hỏi chú nhiều, mà chỉ hỏi một việc về Tết trồng cây của
tỉnh chuẩn bị và đã thực hiện như thế nào?.
Nghe đến đây, đồng chí Bí thư phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm, liền báo cáo
Bác:
- Thưa Bác, năm nay Nghệ An đã phát động “Tết trồng cây” sớm, hiện đã trồng
được một triệu bảy nghìn sáu trăm tám mươi cây, và sau cấy,
chúng cháu sẽ trồng tiếp mười lăm nghìn cây nữa ạ!
Nghe xong, Bác khen:
- Tỉnh Nghệ An quê Bác trồng cây như thế là tốt, nhưng Bác muốn hỏi, Nghệ
An trồng hàng triệu cây, vậy có biết bao nhiêu cây chết không? Chú có cho đếm
được không? Câu hỏi rất thiết thực và cụ thể nhưng cũng hóc búa! Đồng chí Bí
thư không trả lời được, lúng ta lúng túng. Bác Hồ bèn nói luôn:
- Nghệ An cũng là quê Bác, các chú làm không tốt thì Bác vui sao được, các
chú chỉ nghĩ đến thành tích mà không nghĩ đến hậu quả, thế cũng là chưa thật
thà với Nhân dân, trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không
để lãng phí công sức và của cải vật chất! Vậy “Tết trồng cây” năm nay Nghệ An
phải làm tốt hơn nữa để Bác vui.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận thấy có lỗi với Bác Hồ nên ông xin hứa thực
hiện thật tốt lời dặn dò vừa thân tình vừa như phê bình nhẹ nhàng của Bác. Quay
về phía đồng chí Nguyễn Tạo, Bác Hồ lại nói:
- Chú Tạo phát động báo chí viết bài chú ý đến việc trồng cây nào sống tốt
cây ấy. Mấy ngày sau, trên báo Nhân Dân đã có bài “Trồng cây nào sống tốt cây
ấy” của Bác. Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, một tuần sau, các báo đều đồng loạt
có bài viết về “Tết trồng cây”, phát động phong trào “Ông trồng cháu chăm”, rồi
hàng loạt tranh cổ động in ra với câu ca: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Vâng lời
Bác dạy ta gây nên rừng...”. Lúc đầu “Tết trồng cây” còn là phong trào quần
chúng, chưa có quy hoạch cụ thể, vì thế chất lượng cây trồng chưa cao, từng
vùng chưa chọn giống cây phù hợp. Sau này khi đi kiểm tra, đồng chí Võ Nguyên
Giáp thấy nhiều vùng đồi cây ít được chăm sóc, đồng chí đã đề xuất: Thà có một
cánh rừng của Nhân dân còn hơn để đồi trọc của Nhà nước. Và
cũng chính nhờ ý kiến ấy mà một số chính sách của Nhà nước đã dần dần phù hợp
với đời sống, nguyện vọng của Nhân dân. Việc giao đất, giao rừng cho gia
đình và tập thể hoặc cá nhân đã được thực hiện. Hầu như các đồi trọc giờ đây đã
“Xanh rừng, xanh núi, xanh mây/ Xanh trời, xanh đất, xanh cây đồng làng” và đời
sống kinh tế nhiều gia đình nông dân đã được cải thiện, thậm chí còn trở thành
triệu phú.
*
* *
Câu chuyện ấy tuy đã hơn nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi mùa Xuân sang, đón Tết cổ truyền dân tộc, mỗi người
Việt Nam chúng ta luôn nhớ lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ:
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm