Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông gắn với triển khai Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời” • VĂN HUÂN

         Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) ban hành năm 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình GDPT đã có; đồng thời tiếp thu thành tựu của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ về khoa học - công nghệ và xã hội của thời đại.

Với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi[1] thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định, chương trình GDPT mới tổ chức dạy học trên nền tảng kế thừa các môn học đã có và dạy học tích hợp 2 môn Lịch sử - Địa lý và môn Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh); 2 môn học bắt buộc là Tin học và Tiếng Anh ở Tiểu học cùng với hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.



Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên

Từ năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục đã rà soát và chuẩn bị các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… để triển khai chương trình GDPT theo lộ trình từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025[2]. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn theo kế hoạch của Bộ, Sở; Ngành giáo dục triển khai các lớp bồi dưỡng trực tuyến về chương trình GDPT mới, các điểm mới về chương trình, phương pháp dạy học, sách giáo khoa cho giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6. Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa (SGK) theo cấp lớp từng năm học cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc qua việc lựa chọn sử dụng bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục. Toàn quận có 30 trường Tiểu học với 838 lớp với 31.237 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 88,5%. Đối với THCS có 15 trường với 542 lớp với 22.018 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 71,2%.

Để tổ chức dạy học chương trình GDPT mới, Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đạt đủ về số lượng theo định mức; bảo đảm thực hiện dạy học đủ các môn học theo quy định của chương trình. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ với 4,2% cao học; 77,5% đại học; 5,4% cao đẳng; 95,02% đạt trình độ A tin học trở lên, 94,1% đạt trình độ A ngoại ngữ trở lên.



Giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập vừa dạy online và dạy trực tiếp ở lớp

Sau một năm học triển khai chương trình GDPT, sách giáo khoa lớp 1 mới, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản lý theo hướng phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ khối chuyên môn, giáo viên. Thầy cô đã vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Chất lượng giáo dục được nâng lên. Năm học 2020 - 2021 tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn Tiếng Việt đạt 98,12%, môn Toán đạt 98,87% cao hơn so với năm học 2019 -2020 (môn Tiếng Việt cao hơn 0,002%, môn Toán cao hơn 0,31%). Năm học 2020 - 2021 chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì: 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 99,94% học sinh tốt nghiệp THCS.

Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” được thành phố ban hành tháng 9/2021 với mục đích xây dựng hoàn thiện hệ thống hệ thống quản lý giáo dục, dạy học thông minh đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, “cần gì học nấy” của người dân thành phố với các nội dung: xây dựng hệ thống trường học, lớp học thông minh, xây dựng hệ thống quản trị giáo dục và kiểm tra, đánh giá thông minh; xây dựng thư viện thông minh, xây dựng hệ thống thanh toán điện tử trong trường học; xây dựng hệ thống giáo dục từ xa, phường xã học tập suốt đời thông minh.

Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục quận luôn tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Tất cả các trường đều kết nối mạng cáp quang, 100% giáo viên sử dụng thành thạo máy vi tính trong quá trình dạy học trên lớp, nhiều trường sử dụng hệ thống sổ liên lạc điện tử để thông tin trao đổi tình hình học tập của học sinh với phụ huynh. Toàn ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý xuyên suốt từ Bộ đến tận cơ sở thông qua phần mềm quản lý cán bộ, giáo viên, hệ thống thông tin quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, phần mềm thống kê giáo dục quốc gia… Công tác tăng cường cải cách hành chính được chú trọng với việc sử dụng hệ thống Email công vụ để trao đổi thông tin 2 chiều, thực hiện báo cáo trực tuyến qua mạng; xây dựng phòng họp trực tuyến; ứng dụng phần mềm sổ liên lạc điện tử để thông báo, thông tin kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đến phụ huynh; tổ chức tuyển sinh trực tuyến...

Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động dạy học gặp khó khăn, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Để tiếp sức các em có hoàn cảnh đặc biệt, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được kịp thời triển khai và lan rộng; đã vận động các mạnh thường quân chăm lo cho 1.085 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có cha hoặc mẹ mất do dịch Covid-19; hỗ trợ 10 máy tính xách tay, 90 máy tính bảng, 56 điện thoại thông minh cho các em học sinh Tiểu học và THCS học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với việc ứng dụng các phần mềm ứng dụng trực tuyến trên nền tảng có sẵn của Windows, Google, thầy và trò đã nỗ lực vượt qua những khó khăn nhất định, những lúng túng ban đầu để dần dần thích nghi với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đến thời điểm này, năng lực công nghệ thông tin của thầy cô, học sinh tăng lên vượt bậc; hầu hết đều đã sử dụng khá thành thạo các công cụ dạy học và học tập trực tuyến. Các em học sinh có thời gian hình thành và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm… Khái niệm không gian “nhà trường” không còn giới hạn trong các bức tường của lớp học mà đã được mở rộng kết hợp để trở thành “nhà trường mở, lớp học mở, tri thức mở”.

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tập trung triển khai kế hoạch dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên sử dụng các thiết bị thông minh, phần mềm trực tuyến. Các tổ bộ môn được trang thiết bị điện tử, chủ động xây dựng các bài học trực tuyến đa dạng nhiều hình thức, đặc biệt đối với việc giảng dạy học sinh lớp 6 đầu cấp đạt được những hiệu quả tích cực. Giáo viên vừa giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 6 đồng thời tự nâng cao được việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng bài trực tuyến để tiết học có hiệu quả nhất tùy theo từng đặc thù của bộ môn. Ngoài ra, các giáo viên dạy môn Toán còn tự trang bị thêm bảng viết điện tử dạy online, vì môn này không thể chiếu slide mà phải có bảng viết điện tử mới giúp học sinh hiểu bài được”.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua đã giúp cho việc quản lý, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hoạt động dạy học diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả và nhất là góp phần đảm bảo việc dạy học diễn ra xuyên trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19.

Năm Nhâm Dần 2022 đã đến. Mùa Xuân được coi là mùa của sự sinh sôi nảy nở. Xuân đến thường đem theo những chồi non, lộc biếc.

Tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới ở các cấp lớp còn lại và triển khai Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn thay sách giáo khoa cho đội ngũ giáo viên, tiếp tục ứng dụng các thiết bị hiện đại (bảng tương tác, máy chiếu…) và phần mềm tổ chức dạy học cho học sinh; khai thác hiệu quả hơn hệ thống sổ liên lạc điện tử, các phần mềm quản lý thông tin cơ sở dữ liệu đã và đang sử dụng trong trường học hướng đến giao tiếp hiệu quả trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Ngành giáo dục tiếp tục phát triển các ứng dụng cung cấp các khóa học trực tuyến; triển khai thanh toán điện tử trong trường học; nghiên cứu triển khai xây dựng thư viện điện tử thí điểm tại Trung tâm học tập cộng đồng để cung dịch vụ học tập cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm xây dựng lớp học thông minh tại Trường THCS Lê Văn Tám và xây dựng thư viện thông minh ở các trường Tiểu học, THCS có điều kiện.

Nhận thức “giáo dục thông minh” giúp cho hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người học có thể cá nhân hóa và hoàn toàn chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám cho rằng: Khi phòng học thông minh được trang bị đầy đủ, hiện đại sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách, thời gian giảng dạy của giáo viên nhưng vẫn đảm bảo được nội dung bài học và lượng kiến thức truyền đạt. Đây cũng chính là phương pháp dạy học mới nhất phù hợp với xu hướng áp dụng các ứng dụng của khoa học - kỹ thuật vào việc giảng dạy làm cho tiết học trở nên sinh động, thú vị, (kích thích) tạo hứng thú học tập của học sinh. Trong học kỳ II, năm học 2021 - 2022, trường chủ động xây dựng thư viện thông minh, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho học sinh mọi nơi, mọi lúc. Cung cấp các kiến thức mới nhất để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh.

Việc ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giáo dục đang làm thay đổi sâu sắc nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý nhà trường, tất yếu dẫn đến việc hình thành mô hình “Giáo dục điện tử” hay “Giáo dục thông minh” phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin của thế kỷ XXI.

Do đó, việc triển khai có hiệu quả Đề án “Giáo dục thông minh…” sẽ góp phần hỗ trợ thành công việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trong năm 2022 và những năm sắp tới.



[1] Các phẩm chất chủ yếu bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi bao gồm: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất…

[2] Năm học 2020 - 2021: triển khai chương trình GDPT ở lớp 1.

   Năm học 2021 - 2022: triển khai chương trình GDPT ở lớp 2 và 6.

   Năm học 2022 - 2023: triển khai chương trình GDPT ở lớp 3 và 10…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Hưởng ứng lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 8

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi n...

Bài viết phổ biến