Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Vùng đất và con người Bình Thạnh

 • MINH THƯ

Vùng đất Bình Thạnh ngày nay, trước đây là Bình Hòa - Thanhj Mỹ Tây, từ thuở khai hoang lập ấp cho đến ngày đất nước thống nhất, kinh tế chủ yếu của cư dân là nông nghiệp lúa nước cùng với chăn nuôi và đánh bắt cá, chỉ có một số cơ sở công nghiệp nhỏ. Bởi, dân tộc Việt Nam ta đi lên chính từ nền văn minh lúa nước và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm. Trong quá trình khai hoang đầy gian khổ nhưng nặng tình đất, sâu tình người này, cha ông chúng ta đã cần cù lao động sáng tạo và chiến đấu anh dũng, đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để gầy dựng nên cơ đồ rực rỡ như ngày nay.

Vì thế, mỗi chúng ta luôn ghi lòng, tạc dạ, cùng ra sức tiếp tục chiến đấu, lao động và học tập, phát huy, bảo tồn những giá trị vật chất, tinh thần cao quý để lưu truyền lại cho muôn đời sau....

 Tổ chức hành chính

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Câu ca dao xưa gợi nhớ về vùng đất Gia Định rộng lớn, sông nước mênh mông, có vị trí chiến lược nhiều mặt. Ngược dòng lịch sử, địa danh Gia Định thường được gọi kèm với Đồng Nai để chỉ toàn vùng Nam bộ.

Tìm lại dấu vết xưa, theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tháng 02 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam và thành lập phủ Gia Định. Lúc này, vùng đất phía Nam dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu.

Năm Canh Thân (1800), vua Gia Long đổi Gia Định phủ làm Gia Định trấn. Trên địa bàn Bình Thạnh ngày nay đã có các thôn: Phú Mỹ, Bình Quới, Thạnh Đa, Bình Hòa và Thới Hòa.[1]

Do địa thế Gia Định rộng lớn, Gia Định trấn được đổi làm Gia Định thành, dinh Phiên Trấn đổi làm trấn Phiên An (năm 1808), tỉnh Phiên An (năm 1832). Các thôn Thạnh Đa, Phú Mỹ, Bình Quới, Thới Hòa và Bình Hòa nằm trong tổng Bình Trị - huyện Bình Dương - Phủ Tân Bình - Tỉnh Phiên An.




[1]    Căn cứ vào danh sách các thôn ghi trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825).

Tòa bố Gia Định...
Tòa bố Gia Định...

....nay là trụ sở UBND quận
....nay là trụ sở UBND quận

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, năm 1876, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ các đơn vị hành chính phủ, huyện, phân chia lại toàn bộ cõi Nam Kỳ; nhiều lần thay đổi tên gọi từ hạt tham biện (Inspestion) thành địa hạt (Arrondissement). Các thôn đổi thành làng thuộc hạt Sài Gòn. Tòa tham biện hạt Sài Gòn đặt ở làng Bình Hòa, tại vị trí ngày nay là trụ sở Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương tất cả các hạt tham biện đổi thành tỉnh thì từ ngày 01 tháng 01 năm 1900 hạt tham biện Gia Định trở thành tỉnh Gia Định gồm 4 quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn. Vùng đất Bình Thạnh ngày nay gồm các làng Bình Hòa Xã, Bình Lợi Trung, Bình Quới Tây, Thạnh Đa thuộc tổng Bình Trị Thượng; các làng Phú Mỹ, Phú An thuộc tổng Bình Trị Trung.

Năm 1940, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ lập ra cấp quận. Vùng đất 2 xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây vẫn được giữ lại tên gọi và địa bàn; các làng Thạnh Đa, Phú Mỹ, Phú An nhập thành một làng lấy tên mới là Thạnh Mỹ An đều thuộc tổng Bình Trị Thượng quận Gò Vấp.

Sau Hiệp định Genève, chính quyền Sài Gòn thực hiện một cuộc cải cách toàn diện về mặt hành chính. Các làng gọi là xã. Xã Bình Hòa và xã Thạnh Mỹ Tây thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Quận lỵ Gò Vấp đặt tại xã Hạnh Thông Xã. Xã Bình Hòa tiếp tục giữ vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Gia Định. Cấp hành chính dưới xã là ấp. Xã Bình Hòa gồm 10 ấp đều mang địa danh “Bác Ái” và đánh số kèm theo từ Bác Ái 1 đến Bác Ái 10; xã Thạnh Mỹ Tây gồm 10 ấp đều mang địa danh “Nhất Trí” cũng được đánh số từ Nhất Trí 1 đến Nhất Trí 10. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đối với cách mạng, từ năm 1945, tùy theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trong từng thời điểm, vùng đất Bình Thạnh ngày nay có nhiều lần tách nhập.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, để lãnh đạo cơ sở kháng chiến và tiện việc thống nhất chỉ huy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức đơn vị hành chính các xã được gọi là hộ (quartier). Xã Thạnh Mỹ Tây trở thành Hộ 19, xã Bình Hòa thành Hộ 20.

Thực hiện quyết định của Trung ương Cục miền Nam, tháng 6 năm 1951, tỉnh Gia Định Ninh thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Gia Định, Tây Ninh, có thêm huyện Đức Hòa, Trung Huyện, khu Đông Thành của tỉnh Chợ Lớn cũ[1]. Hộ 19 (Thạnh Mỹ Tây) và Hộ 20 (Bình Hoà) thuộc huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Ninh.

Sau hội nghị Bình Giã 1 năm 1968, triển khai Nghị quyết của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, xã Bình Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây thuộc Liên quận 4 cùng với xã Phú Nhuận, xã Hạnh Thông.

Năm 1973, tổ chức Đảng ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây vẫn bao gồm Đảng bộ Bình Hòa (K42) và Đảng bộ Thạnh Mỹ Tây (K43) nằm trong Liên quận 4.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5 năm 1975, xã Bình Hòa đổi thành quận Bình Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây đổi thành quận Thạnh Mỹ Tây.

Ngày 04 tháng 5 năm 1976, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra Chỉ thị 01-CT/TC-76 về việc sát nhập quận và điều chỉnh, thành phố còn 3 cấp: thành, quận, cơ sở. Hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây nhập lại làm một lấy tên là quận Bình Thạnh cho đến ngày nay.

Có thể nói rằng: Lịch sử địa lý hành chính của vùng đất Bình Thạnh ngày nay gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử địa lý hành chính Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.

*****



[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh, (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2014, tr.481.


Lễ ra mắt UBNDCM quận Bình Thạnh (Tháng 6/1976)
Lễ ra mắt UBNDCM quận Bình Thạnh (Tháng 6/1976)

Bình Thạnh - Cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố

Là một quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, có lịch sử gắn liền với lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thạnh có tất cả những đặc điểm chung về điều kiện địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, về những đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của thành phố trong suốt hơn 300 năm qua. Tuy nhiên, xét ở bình diện một quận độc lập nằm gắn liền với Sài Gòn mạn đông bắc, Bình Thạnh có những nét riêng dễ thấy.

Dân cư

Ngay từ thế kỷ XVII, Bình Thạnh là một trong những khu vực sớm quy tụ dân cư đến sinh cơ lập nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam. Đó là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh - Nguyễn phân tranh loạn lạc nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại.

Dưới thời thực dân Pháp chiếm đóng, lại có thêm nhiều thành phần dân cư từ các miền của đất nước vào làm công nhân đồn điền cho tư bản thực dân Pháp ở miền Nam; là những người dân miền Bắc bỏ làng ra đi khi nạn mất mùa đói kém xảy ra, do chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ và lan sang châu Á (1943 - 1945).

Sau năm 1954, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc xâm lược, một bộ phận dân cư từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và cả ở miền Trung, miền Bắc Việt Nam di cư. Bên cạnh đó, những người nghèo không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn cũng tìm ra Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây tìm kế sinh nhai và định cư luôn ở đây.

Mật độ dân cư ở các vùng Bà Chiểu, Thị Nghè, Bình Hòa ngày càng đông hơn, đồng thời những khu dân cư mới dọc theo các trục lộ giao thông cũng được hình thành như: Xóm Gà, Cầu Sơn… Bên cạnh đại bộ phận nông dân thì ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây còn có những công chức cấp thấp, thợ thuyền… bán sức lao động trong các hãng xưởng của chủ người Pháp, người Hoa và cả người Việt ở Sài Gòn - Gia Định.

Với quá trình hình thành, phát triển hơn 3 thế kỷ, trên vùng đất Bình Thạnh ngày nay, cư dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây không đơn thuần là tầng lớp thị dân mà gồm nhiều thành phần khác nhau: nông dân (làm ruộng rẫy, chăn nuôi, trồng cây ăn trái), ngư dân (làm nghề chài lưới ven sông), thợ thủ công, buôn bán nhỏ và công nhân (làm ở các cơ sở công nghiệp lớn trong thành phố và các đồn điền cao su ở ngoại thành). Mặt khác, nhiều dân tộc khác nhau cùng hội tụ về sinh sống, lập nghiệp, trong đó chiếm đa số là người Kinh, người Hoa, Khmer và Chăm. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, trong tổng số 499.164 dân ở Bình Thạnh, người Kinh chiếm 98,73%; dân tộc khác chiếm 1,27%[1].

Có thể nói, sự có mặt của mọi tầng lớp Nhân dân ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây trong các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra từ nửa đầu thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX đã tạo cơ sở xã hội cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những năm 1930 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975 trên tất cả các lĩnh vực, các đối tượng tham gia khác nhau với muôn vàn hình thức đấu tranh hết sức phong phú, sinh động.



[1]    Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01 tháng 4 năm 2019 của quận Bình Thạnh.


Nông dân vùng ven Bình Thạnh làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
Nông dân vùng ven Bình Thạnh làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

Kinh tế

Từ thuở khai hoang lập ấp cho đến khi nhà Nguyễn trực tiếp cai quản, nông nghiệp lúa nước là ngành kinh tế chủ yếu của cư dân Bình Hoà - Thạnh Mỹ Tây, bên cạnh chăn nuôi và đánh cá.

Dưới thời Pháp thuộc, Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây vẫn là vùng đất rộng, thưa dân. Đất đai nằm trong tay bọn thực dân với những vườn cao su ngút ngàn của các chủ đồn điền người Pháp (từ đầu đường Nguyễn Thiện Thuật ra tới đường Bạch Đằng và từ ngã năm Bình Hòa đến cầu Băng Ky ngày nay). Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Nhưng do ở vị trí địa lý thuận lợi có nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng lại là trung tâm tỉnh lỵ Gia Định nên thủ công nghiệp, thương nghiệp có điều kiện phát triển và mở rộng cùng một số cơ sở công nghiệp nhỏ.

Sau năm 1954, Bình Thạnh không chỉ là một vùng ven đô mà được xem là vành đai đỏ bảo vệ cho các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân đế quốc ở trung tâm thành phố.

Nằm án ngữ trên toàn bộ hành lang nối Sài Gòn đến các tỉnh ở mạn đông, đông bắc với các đầu cầu Thị Nghè, Hàng Xanh, Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu, cầu Sài Gòn; các tuyến đường giao thông huyết mạch Quốc lộ 1, Quốc lộ 13; Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây giữ một vị trí có ý nghĩa quân sự quan trọng. Vùng Bà Chiểu của quận Bình Thạnh ngày nay trở thành nơi tập trung của các cơ quan đầu não hành chính, quân sự của tỉnh Gia Định[1].



[1]     Tiểu khu Gia Định, trại thủy quân lục chiến Nguyễn Văn Nho, ty cảnh sát Hàng Keo, Trung tâm chiêu hồi trung ương, Trung tâm thẩm vấn Băng Ky, trại quân cảnh Tân Cảng...


Le Jardin de Gia Dinh
Le Jardin de Gia Dinh

...nay là khu thương mại Hồng Bàng
...nay là khu thương mại Hồng Bàng

Thập niên 1960, quá trình đô thị hóa ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây diễn ra mạnh mẽ. Những cánh đồng ruộng mênh mông, những khu đất sình lầy, ngập nước dần dần được lấp để làm nơi cư trú hoặc biến thành ruộng vườn. Hoạt động kinh tế của cư dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây chuyển mình dần từ nông nghiệp sang các ngành thương mại, tiểu thủ công nghiệp, kỹ nghệ, dịch vụ…

Bước vào thập niên 70, các nhà tư bản trong và ngoài nước đã có đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp[1]. Vì thế, trong 5 năm trước giải phóng, sản xuất công nghiệp tăng lên đáng kể. Nông nghiệp tụt hậu do đất đai bị thu hẹp để xây dựng nhà cửa và thương nghiệp phát triển tăng vọt nhằm phục vụ cho một số lượng đông dân cư do quá trình đô thị hóa và quân sự hóa cưỡng chế.

Nhìn chung, trước năm 1975, trong tương quan với Thành phố Sài Gòn, Bình Thạnh chỉ là một quận vùng ven, có cấu trúc nửa đô thị, nửa nông thôn. Cấu trúc nửa đô thị nửa nông thôn này làm cho Bình Thạnh vừa có kinh tế công nghiệp, vừa có kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, trong đó nông nghiệp chiếm một vị trí đáng kể.

Văn hóa - xã hội

Bình Thạnh là một trong những khu vực có người cư trú khá cổ xưa của thành phố, nơi quy tụ của nhiều lớp cư dân qua các thời kỳ lịch sử hình thành Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ở Bình Thạnh, cho đến nay, hầu như có mặt nhiều người từ Bắc, Trung, Nam, nhiều dân tộc đến sinh sống lập nghiệp. Chính vì vậy mà các hoạt động văn hóa vừa phong phú vừa đa dạng. Những lớp dân cư xưa của Bình Thạnh đã đến đây khai phá, sinh nhai, trong hành trang của mình, văn hóa như một nhu cầu quan trọng để sống và tồn tại. Mặt khác, trong buổi đầu chinh phục vùng đất Bình Thạnh hôm nay, những người Bình Thạnh xưa đã phải chống chọi với bao nổi gian nguy, khắc nghiệt của thiên nhiên, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt văn hóa đã trở nên chỗ dựa cần thiết.

Từ khá sớm, các cơ sở văn hóa được thành lập trên địa bàn quận Bình Thạnh: trường tỉnh học Gia Định được dựng lên vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) ở địa phận thôn Phú Mỹ; Văn Miếu (đền Văn Thánh) được dựng vào năm 1832 cũng ở xã Phú Mỹ để thờ Khổng Tử… Điều đó đã tạo điều kiện để người dân ở vùng đất này giữ gìn truyền thống hiếu học của cha ông ta trên vùng đất mới.



[1]    Nhiều hãng xưởng, xí nghiệp tập trung ở khu Bình Lợi (Phường 13): hãng dệt Nam Á (Liên hiệp dệt Hồng Gấm), hãng SOGAMEN (Xí nghiệp may Bình Minh), hãng Sơn Bạch Tuyết, hãng dệt mền len - SAKYMEN (Xí nghiệp dệt chăn Bình Lợi), hãng Sài Gòn kỹ nghệ súc sản (VISSAN), hãng gạch bông Đức Tân,…


Trường École Marc Ferrando
Trường École Marc Ferrando

....nay là Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu
....nay là Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu

Bình Thạnh ngày nay vẫn còn di tích những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đã được xây dựng từ rất sớm như: chùa Sắc Tứ Tập Phước (cuối thế kỷ XVIII), Nhà thờ Thị Nghè (giữa thế kỷ XVIII), Đình Bình Hòa (đầu thế kỷ XIX)... Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 thì 31,54% dân số của quận theo đạo, trong đó 20,25% dân số của quận là tín đồ Phật giáo, 10,45% dân số là tín đồ Thiên Chúa giáo. Song, dù có hay không theo tôn giáo nào, hầu hết các gia đình đều lập bàn thờ ông bà, tổ tiên ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam mà lưu dân đến Bình Thạnh luôn giữ gìn và phát huy suốt hơn 300 năm qua.

*****

Nhân dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây có truyền thống đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, xuyên suốt lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Gia Định. Đó là tinh thần yêu nước, cách mạng, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đấu tranh quyết liệt, liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, tích lũy lực lượng và kinh nghiệm, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Nếu Cầu Sơn, Bình Hòa, Lăng Ông, Bà Chiểu, Thị Nghè là sự minh chứng cho một thời khai phá vẻ vang của thế kỷ XVIII, XIX thì mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông, Đồng Ông Cộ,… gắn liền với những chiến công oanh liệt của Nhân dân Bình Thạnh trong thế kỷ XX hào hùng. Chính Bình Thạnh là nơi diễn ra những trận chiến đấu hết sức ác liệt ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong những ngày cuối cùng đập tan sự chống trả ngoan cố của lực lượng phòng vệ Sài Gòn, tiến vào đánh chiếm dinh “Độc lập”, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.

45 năm trôi qua kể từ mùa Xuân lịch sử năm 1975, người dân Bình Thạnh với quyết tâm, lòng nhiệt tình, xen lẫn niềm tự hào là người dân của mảnh đất Gia Định anh hùng không ngừng vượt qua mọi thử thách, đem trọn tài năng, sức lực và tình cảm của mình góp phần xây dựng và phát triển quê hương Bình Thạnh ngày càng giàu mạnh./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825).

2. Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.

3. Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân quận Bình Thạnh (1930 - 2015), Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021.


Chợ Bà Chiểu năm 1960
Chợ Bà Chiểu năm 1960

Chợ Bà Chiểu ngày nay
Chợ Bà Chiểu ngày nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Hưởng ứng lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 8

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi n...

Bài viết phổ biến