Chăm sóc sức khỏe cho người dân là nhiệm vụ cao cả của mỗi người thầy thuốc. Thế nhưng, trong phòng chống dịch bệnh lực lượng y tế lại là những chiến sĩ xông pha ở nơi tuyến đầu. Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ y bác sĩ và cán bộ, nhân viên ngành y tế quận nhà ngày đêm thầm lặng chiến đấu, hy sinh quên mình.
Thực hiện yêu cầu khẩn cấp “Truy vết, thần tốc, khoanh vùng dập dịch”, lực lượng y tế quận nhanh chóng thành lập các đội cơ động lấy mẫu cộng đồng. Song song đó, phối hợp với các Trạm y tế và các quận lân cận lấy mẫu ở các khu vực nguy cơ cao. Đồng thời, bám sát chỉ đạo từ cấp trên, chủ động, kịp thời triển khai đồng bộ các phương án theo phương châm “Thiết lập lá chắn thép đảm bảo an toàn khám chữa bệnh”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, diễn biến của đại dịch. Do số ca F0 tại quận tăng lên từng ngày, lãnh đạo Bệnh viện quận đề xuất chuyển đổi một phần công năng để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay sau đó, tiếp nhận thêm Bệnh viện dã chiến đặt tại Trường Tiểu học Bình Hòa. Mọi người xác định đây là thời điểm đầy cam go, thử thách cao độ khi nghe những chuyến xe cấp cứu hụ còi hối hả vào ra khu cấp cứu như xé lòng mọi người. Trong tình huống này càng thúc giục tất cả hãy nhanh lên, chạy đua với thời gian để giành giật lại sự sống cho những mảnh đời bất hạnh. Cứ như thế, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, đội ngũ thầy thuốc của quận đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho trên 1.000 bệnh nhân.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, dù trải qua vất vả, khó khăn; đặc biệt là luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và đã có những thầy thuốc trở thành F0. Thế nhưng với tinh thần xung kích vì sức khỏe của cộng đồng, sự sống của bệnh nhân nên mọi người đều nỗ lực vượt qua tất cả. Bởi, niềm hạnh phúc lớn nhất của người chiến sĩ thầy thuốc là chiến thắng được con vi-rút nguy hiểm, được nhìn thấy bệnh nhân “cải tử hoàn sinh” với nụ cười rạng rỡ trước khi trở về đoàn tụ với gia đình.
Kỹ thuật viên khoa xét nghiệm Lê Anh Nhung, là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trung tâm Y tế quận. Từ khi dịch bùng phát, chị nhận lệnh điều động của cơ quan, tạm gác chuyện cá nhân, tham gia đội phản ứng nhanh túc trực 24/24 giờ.
Hằng ngày chị Nhung miệt mài đi lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, trong cộng đồng, sau đó là nhập liệu, trả kết quả. Đồng thời còn hướng dẫn cặn kẽ cho lực lượng tình nguyện viên, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp cách thức lấy mẫu để kịp đẩy nhanh xét nghiệm theo yêu cầu. Chia sẻ những ngày ở tuyến đầu chống dịch, chị Nhung tâm sự “Hằng ngày chúng tôi mặc đồ bảo hộ bít bùng, nóng bức, ngột ngạt cùng với cường độ làm việc cao, tưởng chừng như không trụ nổi nhưng mọi người luôn động viên nhau hãy tiếp tục cố gắng để cùng với lực lượng phối hợp nhanh chóng ngăn chặn, không cho dịch Covid-19 lây lan. Và, chúng tôi rất tự hào vì được cống hiến và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cam go nhất của đất nước”.
Bác sĩ Lê Tấn Nghĩa là một trong số những thầy thuốc trẻ tại Khu cách ly tập trung số 32 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 24. Đối tượng quản lý tại đây là những người trong diện F1. Hằng ngày anh và đồng nghiệp luôn bận rộn thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe hàng trăm người để kịp thời tách riêng các F1 có triệu chứng nhằm tránh lây nhiễm chéo.
Diễn biến tình hình ngày một xấu, số người bệnh ngày càng đông, nơi đây chuyển công năng sang quản lý đối tượng F0. Bác sĩ Nghĩa nhớ lại “Tháng 8 và 9/2021 là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi và các đồng nghiệp. Đỉnh điểm là khi số ca nhiễm tại TP.HCM quá đông, các bệnh viện đều quá tải, tại đây chỉ có tôi cùng hai bác sĩ khác luôn tất bật ngày đêm theo dõi điều trị hàng trăm F0 từ nhẹ đến nặng. Cường độ làm việc rất căng cộng với áp lực từ bệnh nhân, mỗi ngày chỉ ngủ chập chờn được từ 1 đến 2 giờ. Có nhiều đêm hầu như thức trắng. Trong vòng một tháng tôi sút hơn 5kg. Đã có lúc muốn xin nghỉ việc, nhưng khi bình tâm nghĩ lại, tự hỏi, nếu mình bỏ cuộc ngay trong lúc này thì ai sẽ làm? Thế rồi chúng tôi lại cùng động viên nhau cố gắng chiến đấu tiếp”.
Tại tuyến cơ sở, Bác sĩ Trần Thị Thu, Trưởng Trạm y tế Phường 19 chia sẻ: “Cuối tháng 7/2021 số ca F0 có dấu hiệu tăng cao với trên 160 ca F0, tương ứng với 22 khu vực phong tỏa. Đây là phường có ca bệnh cao nhất quận, do đó chúng tôi phải truy vết liên tục, lấy mẫu thần tốc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Nhân sự của đơn vị chỉ có 5 người nhưng phải phục vụ gần 20.000 dân và trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này phải làm việc suốt ngày đêm. Do không có thời gian nghỉ nên nhiều người đuối sức, nhiễm Covid-19. Trước tình hình đó và để chủ động kiểm soát tình hình, đơn vị tham mưu lãnh đạo cho phong tỏa toàn phường để dễ truy vết nguồn lây. Thời điểm này, tại phường số người nhiễm có chuyển biến nặng tăng cao. Đội phản ứng nhanh chúng tôi phải nhanh chóng có mặt tại nhà để sơ cấp cứu ngay trước khi chuyển tuyến. Khó khăn nhất là những trường hợp nguy kịch do lớn tuổi và có bệnh lý nền”.
Trầm ngâm trong giây lát, Bác sĩ Thu tiếp tục cho biết: “Có thể nói, mọi trách nhiệm chăm lo sức khỏe người dân trong lúc này đặt trước hết trên vai đội ngũ y tế phường. Do đó mỗi ngày chúng tôi làm việc từ khi trời chưa sáng đến đêm rồi sáng lại. Có khi mệt quá vừa thiếp đi trên bàn làm việc thì tiếng điện thoại lại reo lên, đầu dây bên kia là những lời nói trong sợ hãi, hoang mang khi có người nhà chuyển nặng, người phát hiện mình bị dương tính. Dù xông pha vào trận chiến nguy hiểm, nhưng lực lượng y tế chúng tôi vẫn luôn cố gắng sống tích cực. Chúng tôi luôn tự hào được khoác lên mình màu áo xanh hy vọng cùng với màu áo blouse trắng nguyện đem tất cả nhiệt huyết sức trẻ của mình cống hiến cho Tổ quốc”.
Thế đấy, công việc của những chiến sĩ “thiên thần áo trắng” là xông pha chiến đấu chống lại dịch bệnh đầy khó khăn, gian khổ, có cả hy sinh sức khỏe, sinh mệnh nhưng luôn diễn ra trong thầm lặng.
Mỗi người chúng ta hãy dành cho ngành y sự ghi nhận, biết ơn và những tình cảm trân trọng để họ luôn xứng đáng là những người “Thầy thuốc như mẹ hiền” mà Bác Hồ đã khen tặng.